GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | Con người là nghệ thuật

Ngày 20/12/2022 17:11:39, lượt xem: 8589

Đề bài: “Con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn. Chỉ có kẻ thông minh mới không khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý nọ. Những người ấy chính là nghệ sĩ”.

(Phong Tử Khải, Sống vốn đơn thuần, in trong Ngữ văn 10, Tập một, Sách Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, tr.80)

Nhận định trên đã khái quát tư chất đáng quý nào của người nghệ sĩ? Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

 

 

Bài làm

Trong bài báo “Văn chương khơi dậy sự cảm thông như thế nào?”, Alaa Al Aswany đã chia sẻ: “Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều”. Thật vậy, văn chương luôn mang đến cho chúng ta thế giới của những con người khác, thế giới mà ở đó tác giả, bạn đọc giao hòa, gặp gỡ, đồng cảm qua những nhân vật, những câu chuyện văn chương. Với tất cả những sự khác biệt đó, chúng ta đối chiếu với bản thân để khơi dậy sự thấu hiểu, đồng cảm thay vì bị hòa lẫn. Và phải chăng Phong Tử Khải cũng đồng ý với lẽ đó khi đưa ra nhận định: “Con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm. Chỉ vì lớn lên bị cách nghĩ của người đời dồn ép, nên tấm lòng ấy mới bị cản trở hoặc hao mòn. Chỉ có kẻ thông minh mới không khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý nọ. Những người ấy chính là nghệ sĩ”.

Mary Gordon - nhà văn người Mỹ đưa ra lời nhận định thế này: “Chúng ta được sinh ra với khả năng đồng cảm. Khả năng nhận biết cảm xúc và vượt qua chủng tộc, văn hóa, quốc tịch, giai cấp, giới tính và lứa tuổi”. Đúng vậy, bởi theo Phong Tử Khải, “con người ta vốn là nghệ thuật, vốn giàu lòng đồng cảm”. Khi sinh ra, khi còn là thơ bé, ta đã có sự đồng cảm nhất định. Có lẽ sẽ chẳng khó để bắt gặp một đứa trẻ ngồi tâm sự, trò chuyện với chó, mèo, chim, cá,..như những người bạn hay chơi với búp bê, trở thành người chị của những món đồ chơi này một cách vô tư bằng tất cả tấm lòng chân thành mà chúng có. Trẻ con nhiều khi còn phát hiện ra những điểm mà người lớn không phát hiện được, nâng niu, trân trọng những thứ nhỏ bé trong đời sống này. Nhưng dần lớn, dần trưởng thành, phải đối mặt với sự vần xoay biến chuyển của cuộc sống, phải thích nghi với thế giới gọi là thế giới người lớn, người trưởng thành, trải qua những câu chuyện khác nhau của cuộc đời, dường như cảm xúc của con người ta không còn hồn nhiên, thơ ngây như tấm bé mà trở nên chai lì hơn, không còn nhiều sự đồng cảm với thế giới xung quanh mà trở nên nghĩ về những thứ có lợi cho bản thân nhiều hơn thì khi đó, sự đồng cảm trong mỗi người đã bị che lấp. Vì thế, những người nào chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan mà vẫn giữ được cho mình lòng đồng cảm thì xứng đáng được gọi là người nghệ sĩ. Soi chiếu vào những góc nhìn từ văn chương, ta dễ dàng nhận thấy những nhà văn là những người nghệ sĩ thực thụ. Để thai nghén rồi sinh ra đứa con tinh thần, nhà văn đã phải đặt tâm huyết vào từng câu từng chữ, từng nhân vật, từng câu chuyện,..trong tác phẩm ấy. Và đương nhiên rằng cũng vì thế mà chắc chắn sau lớp ngôn từ để diễn tả nội dung nào đó đều là sự đồng cảm của nhà văn, nhà thơ. Bên cạnh đó, độc giả khi đã đọc, đã ngẫm tác phẩm mà vẫn thấu hiểu, đồng cảm với những gì mà tác giả viết cũng trở thành những người nghệ sĩ chân chính.

 

ĐỌC THÊM GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | CHỨC NĂNG CỦA VĂN CHƯƠNG

 

“Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim”. Một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, một bài thơ sẽ chỉ thật sự thành công khi nó có thể chạm đến trái tim của người khác. Nếu chỉ chăm chăm vào kĩ thuật mà không có tấm lòng bao la, không đồng điệu, đồng cảm, không cùng buồn, cùng vui, cùng khóc với đối tượng miêu tả thì thứ viết trên trang giấy mãi mãi chỉ là những con chữ vô nghĩa. Ta sẽ chẳng thể nào biết đến danh xưng Kim Lân - nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn hay Xuân Quỳnh - nữ sĩ viết thơ tình hay nhất của Việt Nam,....Đấy chỉ là số ít những nhà văn nổi tiếng về mảng đề tài mà cứ gợi nhắc đến là óc ta bao giờ cũng nảy sinh những cái tên thân quen đó. Thử hỏi nếu những người đó không đặt tâm huyết, đặt sự thấu cảm vào những trang văn đó thì chúng ta liệu có biết đến họ? Vì vậy, đồng cảm đối với người nghệ sĩ là rất quan trọng bởi nó sẽ tạo ra dấu ấn riêng cho mỗi người để rồi có thêm những tác phẩm có giá trị, mang đậm tính nhân văn.

Mỗi nhà văn nhìn nhân vật của mình một cách khác nhau và thể hiện những suy nghĩ, thấu hiểu, cảm thông khác nhau. Khi đọc những vần văn của Nam Cao, ta nhận thấy phải chăng ông rất yêu thương và trân trọng những nhân vật của mình nên viết với một giọng văn đồng cảm, thương mến. Trong cái đói khổ, bần cùng, lão Hạc vẫn không nỡ giết chết con chó thân thương hay ngay cả đến thằng Chí, trong mắt người dân làng Vũ Đại là con quỷ dữ mà sau một buổi sáng thức giấc lại trở thành một người chân chất, hiền hậu với ước mơ nhỏ bé, bình dị. Ngay cả Thị Nở, người đàn bà với vóc dáng “ma chê quỷ hờn”, “ngẩn ngơ như những người đần” cũng trở thành người phụ nữ với đủ bản năng làm vợ đúng nghĩa sau khi gặp được tình yêu, tình thương của cuộc đời mình. Lần giở những tác phẩm kinh điển đó của “nhà văn của nông dân và những người trí thức tiểu tư sản nghèo”, người đọc có thể cảm nhận rằng thằng Chí như vậy thì xứng đáng bị chửi rủa, Thị Nở xấu như thế, ngờ nghệch như thế thì lấy đâu ra tình yêu đẹp, vậy mà trong đôi mắt tinh tường của nhà văn, ông vẫn dành cho họ những phút giây làm người đúng nghĩa, ông đồng cảm với tất cả những nhân vật, những số phận mà bản thân đặt bút viết ra.

Milan Kundera có đưa đến ý kiến: “Văn chương là nơi sự phán xét ngưng lại để nhường chỗ cho sự thấu hiểu”. Văn học khơi dậy cảm xúc của người đọc, làm cho người đọc xúc động và dấy lên sự đồng điệu, thấu hiểu về hoàn cảnh của nhân vật. Đọc “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, chắc chắn phải có đến ít nhất 90% bạn đọc đồng cảm cho số phận của người đàn bà đó. Một người đàn bà khổ đau, vì để gìn giữ một gia đình hoàn hảo mà hi sinh hạnh phúc của bản thân, cam chịu những trận đòn roi của chồng. Không chỉ dừng lại ở đó, suy ngẫm sâu xa hơn, ta sẽ thấy trong xã hội luôn có một bộ phận bị dạt ra ngoài. Để đồng cảm, ta cần phải nhìn họ ở khoảng cách gần và nỗ lực nhận ra thế giới bên trong con người. Như tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu nói: “Xét đến cùng, ý nghĩa của sự thấu cảm kẻ khác chính là hiểu được chính mình. Nghệ thuật, văn chương trao cho ta hình ảnh về một kẻ lạ, nhưng mời gọi ta cùng nghĩ về kẻ ấy, từ đó, mà nhận ra nhiều điều khác bấy lâu đóng kín nhận thức hay cảm xúc của chúng ta về con người”. Ám ảnh về người đàn bà trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, nghĩ rộng ra đó còn là sự ám ảnh về một thế giới ở vùng ven biển miền Trung, nơi mà bạo lực vẫn còn xảy ra trong thời bình, nơi mà cái nghèo cái đói tưởng chừng như thời bao cấp không thể xảy ra thì nay vẫn còn đó, nơi mà những người vợ phải chịu sự hành hạ nhưng vẫn rất yêu thương chồng con hết mực. Một loạt những vấn đề nhức nhối của xã hội, của thời đại được đặt ra khiến ai đọc xong cũng phải trăn trở, phải suy nghĩ làm thế nào để giải quyết toàn vẹn. Đấy là đồng cảm của người đọc khi tiếp nhận bất cứ một tác phẩm nào đó. Đã yêu, đã nhớ, đã thấu hiểu thì sẽ chìm đắm trong câu chuyện đó và suy nghĩ về những vấn đề quan trọng của đời sống nhân sinh.

 

ĐỌC THÊM GÓC LÍ LUẬN VĂN HỌC | CHỈ CÓ NHÀ THƠ SAU KHI CÓ BÀI THƠ...

 

Bất cứ đề tài nào cũng vậy, nếu ta đặt tâm huyết để đọc, để cảm, để thấu hiểu thì sẽ nhận ra những triết lí sâu sắc. Tưởng chừng như “Sóng” của Xuân Quỳnh chỉ là câu chuyện tình yêu lãng mạn, thủy chung giữa người con gái với chàng trai ở phương xa, nhưng không, nó còn là sự hòa hợp giữa cái tôi vào cái ta rộng lớn, giữa cá nhân và cộng đồng. Đọc “Sóng”, ta đồng cảm chứ, đồng cảm bởi những gì bà ấy viết về trạng thái khi yêu của người con gái vì nó đúng, nó là sự thực ở ngoài đời sống. “Dữ dội”, “dịu êm”, “ồn ào”, “lặng lẽ” đều là những cảm xúc “bất thường” khi yêu. Tìm hiểu rộng hơn về cuộc sống riêng tư của Xuân Quỳnh, ta còn đồng cảm với tình yêu của bà dành cho nhà thơ Lưu Quang Vũ, một mối tình đẹp nhưng lại kết thúc bằng câu chuyện buồn. Không chỉ vậy, những khổ thơ cuối còn đưa ra những thông điệp ý nghĩa mà suy ngẫm, ta nhận ra nó thật đúng. Chẳng hạn như cuộc đời là hữu hạn, thời gian thì vô hạn, vậy làm thế nào để sống một cuộc sống không hoài phí đây? Câu hỏi ấy đặt ra cho nhiều người đọc quan tâm đến, thấu hiểu đến phải đi tìm câu trả lời cho riêng mình.

Văn chương là thứ được tạo nên từ cảm xúc nhưng cũng điều khiển và có thể chi phối cảm xúc của con người. Đó chính là điểm đặc biệt mà bao người muốn đi tìm khi nói về những con chữ. Trong suốt quá trình làm nghệ thuật của mình, nhà văn phải hiểu được cốt lõi của nghệ thuật là sự đồng cảm. Nếu không có nó sẽ không thể sáng tác ra những tác phẩm làm rung động trái tim của những người dõi theo. Nhưng chỉ vậy thôi là chưa đủ. Bởi đó còn là sự đồng cảm, hòa nhịp cùng với tâm hồn tác giả khi người đọc hiểu được những giá trị, những ý nghĩa của tác phẩm đó. Như vậy, sự đồng cảm trong thế giới văn chương không chỉ đến từ tác giả cũng không chỉ đến từ người tiếp nhận mà nó là sự kết hợp của cả hai. Bất cứ người nào cảm thông, thấu hiểu với những nội dung mà các tác phẩm ấy được viết ra đều là những người nghệ sĩ thực thụ. Sự đồng cảm ấy sẽ nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, giúp con người nhận ra và hoàn chỉnh giá trị chân - thiện - mĩ cho chính cuộc đời của mình. Vì vậy, dù bạn là ai, làm gì thì hãy mang một trái tim đồng cảm để thấu hiểu mình hơn.

 

Để viết Văn hay hơn và dễ dàng đạt 8+, nhanh tay đăng ký đồng hành cùng chị trong khoá học LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU 2k5 nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan